EfD-Vietnam góp phần vào sự phát triển Luật môi trường tại Việt Nam

Ngày 23/02/2021

EfD Việt Nam đã có những đóng quan trọng trong quá trình sửa đổi bộ luật môi trường tại Việt Nam, cụ thể như việc giới thiệu khung chính sách thông qua công cụ thị trường. TS. Phạm Khánh Nam, Giám đốc Trung tâm EfD Việt Nam, đã có buổi trao đổi về các vấn đề môi trường tại Việt Nam và cách thức để EfD cung cấp những thông tin đầu vào quan trọng cho bộ luật môi trường mới của Việt Nam.

 

Những vấn đề môi trường chính tại Việt Nam là gì?

Có ba vấn đề môi trường chính tại Việt Nam

- Thứ nhất là tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng nước biển dâng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Theo dự báo, trong vòng 100 năm, Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực từ Thành phố Hồ Chí Minh trở xuống điểm cực Nam của Việt Nam sẽ thấp hơn mực nước biển khoảng 1m. Vì vậy, chính phủ đang rất nghiêm túc triển khai thực hiện và phát triển các chiến lược để đối phó với những viễn cảnh tồi tệ nhất có thể xảy đến. Tuy nhiên, trong bối cảnh mực nước biển ngày dâng cao và mức độ nghiêm trọng của các cơn bão ngày càng tăng, Việt Nam không cần phải chú trọng quá nhiều đến vấn đề lượng mưa giảm và hạn hán như một số quốc gia châu Phi.

- Vấn đề thứ hai liên quan đến hoạt động quản lý tài nguyên biển và vùng ven biển. Tại Việt Nam, hệ sinh thái ven biển gồm rừng ngập mặn và các rạn san hô là một hệ thống rất phong phú, mang lại rất nhiều lợi ích cho khu vực lân cận. Tuy nhiên, các khu vực này đang gặp phải vấn đề suy thoái với những tác động tiêu cực đến nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Trong thực tế, khi đề cập đến nghề đánh bắt thủy sản gần bờ, hầu hết đều có sự thảo luận đến vấn đề nghèo đói, nhiều người dân sống ở các khu vực ven biển Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào hệ sinh thái này và thông qua nghề đánh bắt thủy sản để kiếm sống. Vì thế, việc quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên biển và vùng ven biển đóng vai trò rất quan trọng đối với mục tiêu xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời một vấn đề chính hiện nay cần được chú trọng là tình trạng khai thác, đánh bắt quá mức của ngư dân, có nguy cơ gây suy giảm nguồn lực tài nguyên biển.

- Vấn đề thứ ba là tình trạng ô nhiễm đến từ hoạt động sản xuất công nghiệp. Nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng phát triển, từ đó quy mô của những cơ sở sản xuất ngày càng mở rộng hơn, gây nên vấn đề ô nhiễm nguồn nước và không khí một cách trầm trọng. Chính phủ Việt Nam cần xây dựng, phát triển các công cụ chính sách mới để có thể kiểm soát và giải quyết vấn đề ô nhiễm một cách hiệu quả hơn.

Nhận thức của người dân Việt Nam đối với các vấn đề môi trường ra sao?

Mức nhận thức về môi trường hiện nay đạt mức rất cao đối với thế hệ trẻ và công chúng nói chung, họ hoàn toàn hiểu rõ vai trò quan trọng của môi trường, và một đặc điểm rất khác so với 10 năm trước đây là Việt Nam đã hình thành rất nhiều tổ chức xã hội dân sự nhằm mục đích bảo vệ và thực hiện các hành động thân thiện với môi trường.

Người dân đã có sự tiếp cận rất lớn đến mạng xã hội, chủ yếu là Facebook, trong trường hợp nhận thấy chính quyền có những dự án xây dựng cơ sở hạ tầng nào đó và muốn chặt nhiều cây xanh, họ sẽ vận động và làm đơn kiến ​​nghị hay bất kỳ một hình thức nào có tính kêu gọi. Các nhóm này hoạt động khá hiệu quả đối với những chủ đề xã hội, từ đó tính lan tỏa đến cộng đồng là rất lớn.

Một số điểm mới trong chính sách môi trường tại Việt Nam gần đây là gì?

Gần đây, Trung tâm Môi trường cho Phát triển (Environment for Development, EfD) thuộc Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á (EEPSEA) đã tham gia góp ý sửa đổi bộ luật quốc gia về môi trường để đưa vào các công cụ thị trường với mục tiêu quản lý môi trường tốt hơn ở Việt Nam. Trước đó, bộ luật môi trường của Việt Nam không có những thông tin chi tiết trình bày các công cụ thị trường, trong cuộc họp thường niên năm 2018 tại Hà Nội, EfD Việt Nam đã tổ chức một ngày trao đổi chính sách để trình bày và thảo luận về thông tin của các công cụ thị trường trong việc kiểm soát các vấn đề về môi trường.

Cùng thời điểm đó, EfD cũng đã xây dựng một báo cáo cho ADB, Ngân hàng Phát triển Châu Á, trình bày tóm tắt việc sử dụng các công cụ thị trường để quản lý môi trường ở các quốc gia đang phát triển khu vực Châu Á, trong đó có Việt Nam. Tại sự kiện này, bản dự thảo của báo cáo đã được trình bày với mục đích làm nổi bật tầm quan trọng của việc sử dụng các công cụ thị trường đối với các nhà hoạch định chính sách môi trường. Vì thế, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam đã mời Trung tâm EfD Việt Nam tham gia vào hoạt động sửa đổi bộ luật quốc gia về môi trường.

Giám đốc Trung tâm EfD Việt Nam, TS. Phạm Khánh Nam đã tham gia vào nhóm các nhà nghiên cứu, thảo luận góp ý cho hoạch định chính sách bao gồm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường để cùng sửa đổi và hoàn thiện những nội dung của dự thảo sửa đổi, bổ sung. Bộ luật mới đây đã được Quốc hội thông qua vào tháng 11 năm 2020.

Luật có những nội dung như thuế carbon, các khoảng trợ cấp và các loại thuế môi trường nói chung. Trước đó tại Việt Nam, hoàn toàn không có các loại thuế môi trường một cách chính thức, tuy nhiên bộ luật mới đưa ra sẽ gồm thuế môi trường, thuế carbon, giấy phép hoạt động đối với các chất có nguy cơ gây ô nhiễm không khí, các khoản đền bù cho các dịch vụ sử dụng hệ sinh thái tự nhiên, thậm chí cả phần bù đắp đối với những hoạt động có ảnh hưởng đến sự đa dạng sinh học.

Cuối cùng, những nội dung trong bộ luật có thể khác với những vấn đề môi trường trong thực tế. Tuy nhiên, điều chúng ta cần ngay từ thời điểm bắt đầu là thiết lập khung lý thuyết chung của bộ luật, điều này sẽ là cơ sở giúp tạo nên nền tảng cho những hoạt động đổi mới vì môi trường trong tương lai.

Bài viết gốc bằng tiếng Anh: https://efdinitiative.org/story/efd-vietnam-was-instrumental-developing-nationss-new-environmental-law?root=stories/vietnam

Bài viết liên quan

The Environment for Development (EfD) Initiative is a capacity building program in environmental economics focusing on research, policy interaction, and academic programs.

028.3844.8249 0834.337732 admin@EfD.vn 028.3847.7948

1A Hoàng Diệu, Phường 10, Quận Phú Nhuận, TPHCM

Copyright (c) 2018 Environment for Devlopment in Vietnam

Designed by Sweetsoft